2011/11/29

Cách phân biệt sushi và sashimi

Rất nhiều người tưởng nhầm hai món ăn này giống nhau nhưng không phải vậy đâu ná!
Ngày nay, sushi và sashimi không còn là những món ăn quá xa lạ đối với người Việt Nam. Đây là hai món ăn tiêu biểu của nền ẩm thực Nhật Bản với cách chế biến đa dạng, bắt mắt và hương vị độc đáo. Sushi và sashimi giờ đây đã trở thành lựa chọn thường xuyên cho những dịp đặc biệt, hay đơn giản chỉ là những bữa ăn thay đổi khẩu vị của thực khách Việt.
Sushi và sashimi là hai món ăn tiêu biểu cho nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
 
Nổi tiếng trên khắp thế giới vì mang trong mình sự tinh túy của văn hóa ẩm thực Nhật Bản, hai món ăn nhỏ nhắn cầu kỳ từ hình thức tới hương vị này đôi khi lại bị thực khách lầm tưởng là một. Sushi được biết đến như một món cơm trộn với dấm khi ăn thường kết hợp với cá sống, trứng cá, hay rau củ và thường được cuốn trong lá rong biển. Còn sashimi là món ăn mà thành phần chính là các loại hải sản tươi sống và thường ăn kèm với lá tía tô hoặc củ cải bào.
 
Món sushi đã xuất hiện từ rất lâu với hàng trăm cách thức chế biến cầu kỳ khác nhau.
Là biểu tượng của ẩm thực Nhật, sushi không chỉ là một món ăn đơn thuần mà nó còn chứa đựng cả một phần văn hóa Nhật Bản trong đó. Món sushi đầu tiên xuất hiện cách đây khoảng 1300 năm. Cho đến nay, “họ hàng” của sushi đã lên tới hàng trăm món khác nhau với rất nhiều cách thức chế biến cầu kỳ và phức tạp.
Người Nhật dùng sushi cho bữa ăn chính như người Việt Nam ăn cơm. Hiện nay, sushi không chỉ là một món ăn độc đáo tại Nhật mà còn phổ biến và nổi tiếng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu muốn hiểu hơn về văn hóa và ẩm thực Nhật thì sushi là món bạn không thể bỏ qua.
Temaki là loại sushi được nặn theo hình nón, bên trong là cơm, các loại hải sản và rau.
 
Sự nhầm lẫn giữa sashimi và sushi là điều khó tránh khỏi bởi hai món ăn đều rất đa dạng về hình thức cũng như cách bày trí. Riêng sushi đã có 6 loại sushi cơ bản gồm: Nigirizushi, Chirashizushi, Makimono, Gunkan, Oshizushi, Temaki.
Nigirizushi là loại sushi nắm gồm cơm trộn dấm được đắp lên bằng một một miếng hải sản, phía trên có thể có một chút gừng xay nhuyễn hoặc vài cọng hành xanh thái nhỏ. Còn Chirashizushi là một tô xới đầy cơm với các loại thịt, cá, rong biển... được xếp đầy trên mặt. Makimono là loại sushi cuộn phổ biến nhất: thức ăn sẽ nằm giữa phần cơm, cuộn tròn dài trong một lớp rong biển rồi được cắt thành từng khoanh tròn nhỏ. Còn Gunkan là loại sushi mà phần cơm được bao quanh bởi lá rong biển, thức ăn xếp lên trên mặt, thường là trứng cua, trứng cá tuyết, trứng cá hồi… Oshizushi là sushi được ép trong khuôn gỗ rồi dùng dao cắt thành những miếng nhỏ hơn, thường là 2 lớp cơm kẹp 1 lớp nhân. Cuối cùng là Temaki - sushi được nặn theo hình nón, bên trong là cơm, các loại hải sản và rau.
Sushi ăn ngon nhất khi dùng kèm với nước tương, mù tạt và gừng ngâm chua.
Có nhiều loại như vậy nhưng lại chỉ có chung một cách ăn sushi ngon nhất. Đó là dùng sushi kèm với nước tương, mù tạt và gừng ngâm chua. Gừng có tác dụng rửa sạch vị giác của bạn sau mỗi món sushi, nhờ thế bạn có thể thưởng thức nhiều loại sushi khác nhau.
Chỉ riêng những kiến thức về các loại sushi, cách làm và cách thưởng thức sushi cũng đủ làm nên một môn nghệ thuật - nghệ thuật của sự phối hợp màu sắc và hương vị. Đối với sushi, việc bạn thưởng thức một món ăn không chỉ là thưởng thức hương vị của nó mà còn là “chiêm ngưỡng” bức tranh nghệ thuật kỳ công do các nghệ nhân bày ra trước mắt bạn.
Sushi được coi là nghệ thuật của sự kết hợp giữa màu sắc và hương vị.
Nếu sushi thường được sử dụng như là một món ăn chính, thì sashimi được coi là món ăn khai vị để đánh thức các giác quan của thực khách. Sashimi không thua kém “người bạn đồng hương của mình” về bất cứ điểm nào từ hương vị, màu sắc tới cách chế biến đa dạng. Sashimi là những miếng hải sản tươi sống thường được cắt thành từng lát mỏng có chiều rộng khoảng 2,5cm, chiều dài 4cm và dày chừng 0,5cm. Kích cỡ của sashimi có thể khác nhau tùy vào loại nguyên liệu và cách cắt của người đầu bếp. Sashimi được ăn cùng với các loại nước chấm như xì dầu, tương, các loại gia vị như mù tạt, gừng, lá tía tô và củ cải trắng thái chỉ.
Sashimi là món ăn mà thành phần chính là những miếng hải sản tươi sống cắt lát.

Có một số loại hải sản mà chúng ta thường thấy phổ biến nhất trong món sashimi đó là: cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá saba, cá nóc, mực, bạch tuộc và tôm biển. Theo truyền thống, người Nhật cho rằng sashimi phải được ăn trước để tránh các món có mùi nặng làm ảnh hưởng đến hương vị của nó. Bởi vậy sashimi thường là món ăn đầu tiên. Tuy nhiên, sashimi cũng có thể trở thành món chính, được ăn cùng với cơm và một chén súp Miso.
 
Sashimi thường là món đầu tiên trong bữa ăn của người Nhật.

Xét trên khía cạnh văn hóa ẩm thực, nếu sushi được xem như một loại hình nghệ thuật về bày biện các món ăn thì sashimi lại được xem là nét tinh tế trong văn hóa Nhật. Cảm giác tinh tế có thể đến từ cá, tôm, cá ngừ đến cá mực, bạch tuộc… Mỗi loại lại mang một vị ngọt hoặc cảm giác mềm, dai, giòn, béo riêng.
 
Sashimi là món ăn đề cao sự tinh tế.
Khi thưởng thức sashimi, cảm giác đầu tiên là vị cay xộc đánh thức các giác quan. Sau đó là vị mặn vừa của nước tương hảo hạng và vị ngọt tươi ngon, béo mà thanh của cá sống. Tất cả cùng hòa trộn với nhau và tan dần trong miệng thực khách.
Sushi và sashimi - hai món ăn không thể bỏ qua khi tìm hiểu văn hóa ấm thực Nhật Bản.
Qua bài viết này, chắc hẳn từ nay các bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc phân biệt sushi và sashimi rồi đúng không? Ăn ngon là quan trọng nhưng việc nắm bắt các thông tin chính xác về món ăn mà mình thưởng thức cũng vô cùng cần thiết đấy! Chúc các bạn sẽ thưởng thức sushi và sashimi ngon miệng và không bao giờ lo bị nhầm nữa nhé!

(PLXH)

2011/11/25

10 đặc sản tiến vua nổi tiếng của người Việt

Để được đưa vào cung tiến vua, món ăn phải có giá trị dinh dưỡng cao và hương vị tuyệt vời hiếm thấy. Có thể nói, những món đặc sản tiến vua này là "vua" của các loại đặc sản.

Nền ẩm thực phong phú của Việt Nam từ thời xa xưa đã sản sinh ra hàng trăm, hàng nghìn món ăn đặc sắc. Một phần nhỏ trong số những món ăn đó hưởng vị trí trang trọng đặc biệt khi được đưa vào cung đình để cung tiến các bậc vua chúa. Để được tuyển chọn, đó phải là những món ăn có giá trị dinh dưỡng cao và hương vị tuyệt vời hiếm thấy. Có thể nói, những món đặc sản tiến vua này là "vua" của các loại đặc sản. 
Dưới đây là một số đặc sản tiến vua nổi tiếng ở Việt Nam:
1. Bánh Phu Thê
Là nơi phát tích của vương triều nhà Lý, Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) thường được gọi là đất vua. Đây cũng vùng đất của một đặc sản nổi tiếng, đã được đưa vào tận kinh đô Huế để tiến vua, đó là bánh phu thê.
Hương vị của bánh ngọt ngào như duyện vợ chồng. Ảnh: Bếp gia đình.  
Đúng như tên gọi của mình (phu thê nghĩa là vợ chồng), món bánh này không lẻ chiếc mà đi theo cặp. Phía sau những lớp là chuối, chiếc bánh hiện ra với lớp vỏ làm bằng bột nếp óng ánh màu vàng tươi. Nhân bánh là đỗ xanh giã nhuyễn, nhào đường, có thể cho thêm dừa.
2. Sâm cầm
Sâm cầm hồ Tây là món ăn nổi tiếng, đã đi vào câu ca dao “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây" của đất Thăng Long.
Sâm Cầm
Quan niệm dân gian cho rằng loài chim này di trú từ phương Bắc về phương Nam, chúng đào ăn nhân sâm trên đỉnh các núi cao ở Trung Quốc, Hàn Quốc nên được gọi là sâm cầm. Đó là lý do thịt Sâm cầm được cho là một món ăn đại bổ. Đây cũng là một món ăn khoái khẩu của vua Tự Đức.
Tương truyền, làng Nghi Tàm bên hồ Tây được lệnh mỗi năm phải tiến vua 40-50 con chim Sâm cầm, nếu thiếu sẽ bị phạt nặng.
3. Cá Anh Vũ
Nếu Sâm cầm là niềm tự hào của hồ Tây thì cá Anh vũ là thương hiệu bất hủ của ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Với những thớ thịt trắng, quánh và đặc biệt là khối sụn môi giòn sần sật, cá anh vũ được người sành ẩm thực cho là ngon hơn bất kỳ loài cá nào của sông nước. Vì vậy, từ xa xưa, cá anh vũ đã được dùng làm thức tiến ăn tiến vua, được các bộ chính sử ghi lại.

Cá Anh Vũ
Cũng giống như sâm cầm hồ Tây, ngày nay cá Anh vũ đã gần như biến mất tại nơi vùng nước gắn với danh tiếng của mình. Ảnh: Hanoifishing.
4. Chè long nhãn
Chè Long Nhãn
Sau mỗi bữa ăn đầy sơn hào hải vị, vua chúa ngày xưa tráng miệng bằng gì? Một trong những câu trả lời là chè long nhãn hạt sen phố Hiến (Hưng Yên). Nguyên liệu chính của món chè tiến vua này là những quả nhãn lồng phố Hiến, loại nhãn có hương vị thơm quý phái, cùi dầy, ăn giòn, ngọt hơn bất cứ các loại nhãn nào khác.
5. Gà Đông Tảo
Bên cạnh nhãn lồng, đất Hưng Yên còn có một đặc sản tiến vua đặc sắc khác là gà Đông Tảo.
Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng. Ảnh: 5 giây.
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào.
6. Chuối ngự Nam Định
Vẫn còn được trồng chọ đến ngày nay, chuối Ngự cho quả rất nhỏ, khi chín có màu vàng ướm như tơ tằm, mùi thơm ngát, vị ngọt thanh tao đầy quyến rũ... Ảnh: Yume.
Chuối Ngự Nam Định
Tương truyền, vào thời Trần, từ phủ Thiên Trường đến ngoài thành Nam Định, nhiều vùng là quê hương, thái ấp của vua quan nhà Trần. Cảm kích trước tài năng và đức độ của các bậc trị nước, dân thành Nam đã trồng một sản vật quý để dâng vua, đó chính là chuối ngự. 
7. Cốm làng Vòng
Cốm Làng Vòng
Cốm làng Vòng, sản vật đặc trưng của đất Thăng Long đã nổi tiếng từ cách đây 1.000 năm, khi được đưa vào cung tiến vua các triều Lý.
Ngày nay, cứ mỗi mùa thu món ăn chơi làm từ lúa non này lại theo các gánh hàng rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội. Cốm Vòng thường được mua về ăn với chuối chín hoặc nấu chè cốm. Đây cũng là nguyên liệu chính của bánh cốm Hàng Than, một món ăn cũng rất đậm chất Hà Nội.
8. Mắm tép Hà Yên
Mắm tép Hà Yên (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) là một đặc sản quý và độc đáo ở vùng chiêm trũng xứ Thanh, thời xưa thường được dùng để tiến vua.
Để làm loại mắm này, các chức sắc địa  phải cử người đến tận khe Gia Giã, làng Cổ Đam (vùng Bỉm Sơn bây giờ) để đánh riêng một loại tép quý, là tép riu nhỏ, có mầu trong xanh. Khi nấu nước mắm cũng phải chọn người nấu giỏi nhất vùng. Khi hoàn thành mắm có ánh vàng, sóng sánh như mật ong,
9. Rau muống Linh Chiểu
Trắng nõn và mềm giòn như giá đỗ, hương vị hài hòa, rau muống Linh Chiểu (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thời xưa rất được các bậc vua chúa ưa thích. Bởi vậy, giống rau này còn có tên gọi khác là rau muống tiến vua. 
Để bảo đảm chất lượng, việc chăm sóc rau rất kỳ công và vất vả, đất trồng rau phải nằm sát sông, được hưởng mạch nước sủi trong vắt và phù sa sông Hồng bồi đắp. Do việc chăm sóc phức tạp, hiệu quả kinh tế không cao, ngày nay giống rau đặc sản này đang dần bị mai một.
10. Yến sào
Được làm từ nước dãi của những con chim yến, yến sào (tổ chim yến) là một đặc sản có hương vị rất hấp dẫn và giá trị dinh dưỡng cao. 
Từ thời xưa, yến sào đã được khai thác tại các đảo Yến ở ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa để cung tiến các vua chúa.
Ngày nay, cơ hội thưởng thức sản vật này vẫn nằm ngoài khả năng của đa số người dân Việt Nam bởi giá thành của chúng rất cao, từ 50-60 triệu đồng/kg. Phần lớn yến sào khai thác được xuất khẩu để thu ngoại tệ.
(Dat viet)

Độc đáo bánh bao mít miền Nam

Xưa nay, mít vẫn được coi là thứ quả ăn rất ngon, ngọt và thơm lừng. Mít có thể dùng để chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như bánh ít mít, xơ mít xào, xơ mít kho cá nục, gỏi mít, cùi mít muối sả ớt, rượu mít, mứt mít… trong đó có món bánh bao mít.

Bánh bao mít (hay còn gọi là món mít hấp) là bánh bao làm bằng múi mít thường chỉ có ở những vùng quê miền Nam và được xem là món ăn dân dã, cây nhà lá vườn. Bánh bao mít không giống như những loại bánh bao làm bằng bột mì mà ta thường thấy ở phố, có thể coi nó là món ăn đặc sản và làm công phu.

Làm bánh bao mít nên dùng mít ướt (mít mật) vì mít ướt có cùi mỏng hơn, chứa được nhiều nhân và khi hấp sẽ mọng, nhanh chín và bóng hơn mít dai. Lựa lấy một trái mít chín tới, có múi to, lấy dao cắt cho khéo dưới chỗ có hột của mỗi mút mít để lấy hột ra, giữ múi mít không bị rách.
Nhân bánh bao mít có thể làm bằng thịt, cá (nhân mặn) hoặc làm từ hột mít trộn với đậu xanh (nhân chay). Nếu làm nhân mặn thì dùng thịt cá quết nhuyễn với một ít thịt heo, nước mắm ngon, hành củ, tiêu bột, bột ngọt. Khi nhân đã chuẩn bị hoàn tất, vo nhân từng miếng nhỏ cho vào trong các múi mít. Khi nhân đã đầy ruột mít, ta dùng dây gài kín chỗ nhồi nhân.

Để làm bánh mít chay thì lấy hột mít đem luộc chín, giã nát và trộn với đậu xanh đã được đãi vỏ nấu chín tán nhừ. Dừa nạo vắt nước cốt thắng với đường cho sền sệt, nêm chút muối, rồi đem trộn với hỗn hợp đậu xanh hột mít tán nhừ.

Khi hỗn hợp nguội hẳn, vo thành viên làm nhân, cho vào mỗi mút mít. Xong, đem hấp độ nửa giờ khi nhân mít chín và có mùi thơm lừng thì tắt bếp và lấy mít rồi sắp ra đĩa, chấm với tương.

Bánh bao mít nhân cá, thịt heo vừa béo, bùi, dai, cay... đủ mùi vị phối hợp lại thêm mùi vị ngọt thơm rất riêng của mít. Bánh bao mít chay thì thơm mùi thơm của đậu xanh, nước cốt dừa kết hợp với vị bùi và béo của hột mít, vị ngọt của đường thật hấp dẫn. Nếu ai đã từng một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên được hương vị độc đáo của món ăn dân dã này.

(Laodong)

Những mẫu túi xách độc đáo