2011/07/25

MBA và những ngộ nhận

news
MBA không phải là cứu cánh, cũng không phải là giải pháp cho mọi người. MBA là chương trình học có tính phổ quát, chung chung nhất. Nhưng nếu học viên thực sự cầu tiến và có tư duy sắc bén, logic và phương pháp suy luận khoa học, thực tiễn thì sẽ vận dụng được rất nhiều. Có thể nói MBA không mang đến giải pháp và kiến thức nào cao siêu, nó chỉ chỉ cho bạn thấy và hệ thống lại những cái bạn đã biết qua dó bạn tự tìm ra giải pháp cho chính mình.

Thực chất MBA là gì?
MBA là chương trình đào tạo bậc thạc sỹ về quản trị kinh doanh, cũng giống như các chương trình đào tạo thạc sỹ khác ở trong nước, các chương trình MBA liên kết đòi hỏi học viên phải là những người có kinh nghiệm tối thiểu 2 năm trong lĩnh vực có liên quan đến quản lý. Nói như vậy có nghĩa là MBA trang bị kỹ năng trong quản trị kinh doanh cho những người làm công việc “quản lý” chứ không phải đào tạo để làm nhân viên.

Hầu hết các chương trình MBA đều đòi hỏi áp dụng vào những tình huống thực tế, và phân tích (case study), nếu không có kinh nghiệm và không có kiến thức cơ sở (background) về quản trị, về kinh tế học Vĩ mô, vi  mô và các kiến thức mềm về xã hội học, tâm lý học.. thì không thể hiểu một cách thấu đáo, nói cách khác không thể quán triệt được vấn đề. Những kiến thức đó chỉ có được sau một khoảng thời gian nhất định, sau những trải nghiệm thực tế.
Ở bậc học MBA không còn giống như học bậc đại học, trong các môn học về quản trị, hay trong cả các bài thi cũng vậy, không bao giờ có đáp án đúng hay sai, vấn đề luôn luôn mở và đòi hỏi sự suy luận và vận dụng của mỗi người. Giáo sư không có nghĩa là thày, là tuyệt đối mà giữ vai trò là người hướng dẫn, gợi mở ra những vấn đề thực tiễn của quản trị kinh doanh, qua đó giúp cho các học viên - những nhà quản lý, những chủ doanh nghiệp dần dần lĩnh hội được các kỹ năng cần thiết để vận dụng vào thực tiễn công việc quản lý ở doanh nghiệp mình.
MBA không phải là cứu cánh, cũng không phải là giải pháp cho mọi người. MBA là chương trình học có tính phổ quát, chung chung nhất. Nhưng nếu học viên thực sự cầu tiến và có tư duy sắc bén, logic và phương pháp suy luận khoa học, thực tiễn thì sẽ vận dụng được rất nhiều. Có thể nói MBA không mang đến giải pháp và kiến thức nào cao siêu, nó chỉ chỉ cho bạn thấy và hệ thống lại những cái bạn đã biết qua dó bạn tự tìm ra giải pháp cho chính mình. 
Đối tượng theo học MBA
Qua các lớp MBA hiện tại chúng ta có thể thấy có rất nhiều học viên cò rất trẻ, có những người vừa tốt nghiệp đại học (tệ hơn là chẳng có liên quan gì đến kinh tế, quản lý cả), chưa có một ngày kinh nghiệm thì làm sao nghiệm chứng được những vấn đề thảo luận, làm sao có thể “tự suy” trong quá trình chắt lọc, tổng hợp kiến thức để biến thành tri thức được. Nếu cần đưa ra một lời khuyên, tôi vẫn khuyên các bạn chưa có kinh nghiệm đừng nên ghi danh theo học MBA, chỉ phí tiền và mất thời gian khi kiến thức chỉ là một mớ kiến thức suông.
Một số người có tuổi, có kinh nghiệm nhưng động cơ học MBA không phải là lấy kiến thức và vận dụng kiến thức. Nghe thật lạ nhưng chuyện này có thật 100% ở Việt Nam, họ học để giữ ghế hoặc để thăng chức. Với cái cơ chế cần “tiến sỹ hoá, thạc sỹ hoá 100%” cán bộ của một số bộ, ban ngành thì các chương trình MBA đắt tiền, rẻ chất lượng vẫn tiếp tục phát triển mạnh về lượng.
Có một bộ phận khác là những người đi học không mất tiền, họ được công ty, tổ chức cho tiền để đi học, vậy tội gì mà không học khi mà không mất tiền lại được cái danh Thạc Sỹ QTKD nữa chứ, thế nên mới có chuyện đến lớp để có mặt và buôn chuyện, còn khi làm trình bày (presentation) hoặc assignment thì…câm bặt không có lấy một ý nào. Với những người này thì MBA như một vật trang điểm cho bản thân, nó “nâng tầm” tri thức của người chủ của nó vậy. Tri thức đâu phải là thứ làm trang điểm và đem hù thiên hạ, nó phải được vận dụng để tạo ra giá trị cho cuộc sống. Những người này thậm trí còn không thể phân biệt đâu là kiến thức và đâu là tri thức. Tất nhiên là không phải ai đi học không mất tiền cũng như vậy. Tuy nhiên, khi bỏ tiền ra để học thì không ai muốn phí đồng tiền của mình.
Chuyện còn buồn hơn khi ngay tại các cơ sở đào tạo cũng “Chuẩn hoá” bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn nào giảng viên phải là Ths, Ts, … và họ đua nhau đi học theo suất. Đề tài Ths, tiến sỹ của họ chẳng cần phải mới, chẳng cần có tính thực tiễn hay không vì chỉ cần ghi danh vào nhóm nghiên cứu, còn việc viết và bảo vệ đề tài đã có Thày lo, Thày là người lo xin kinh phí từ ngân sách để….nghiên cứu đề tài. Hàng năm có bao nhiều tiền từ những người đóng thuế được chi cho những công trình nghiên cứu mà không bao giờ được sử dụng.
Cũng có những người có tinh thần cầu tiến và trau dồi tri thức thực sự. Tuy nhiên số này chỉ là thiểu số trong một lớp học MBA liên kết tại Việt Nam. Những người tranh luận sôi nổi trên lớp, nhưng trầm mặc, lắng nghe trong cuộc sống như thể liên tục tiếp thu những bài học không ngừng nghỉ của cuộc sống vậy. Những người biết đến cái bản ngã thực mà chưa một lần vỗ ngực nói tôi là thạc sỹ.
Tiếc thay có một số người khi cầm tấm bằng đã ngộ nhận: kể từ hôm nay ta đã là Thạc sỹ, cứ như thể cái danh đó là không thể thay đổi được. Xin thưa với bạn đọc Thạc Sỹ không phải ai cũng giống ai, không phải ai cũng có kiến thức quản trị kinh doanh đầy mình và những người tự vỗ ngực xưng danh cần phải xem lại chính cái quá trình học của mình đã thực chưa, để hiểu rõ cái danh mà mình đeo có thực không. Kiến thức học trong sách vở có thể không bao giờ được áp dụng trong thực tế, cái ta học được, ta có được ngày hôm nay có thể không còn phù hợp cho ngày mai, khi mà tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới luôn thay đổi, đặc biệt là tốc độ thay đổi của trình độ khoa học công nghệ đang làm thay đổi mọi góc cạnh của đời sống. Theo lẽ đó bạn là Thạc Sỹ hôm nay, nhưng nếu bạn không duy trì được sự học không ngừng thì ngày mại bạn đâu còn là Thạc sỹ, hoặc chỉ là “Thạc sỹ giấy” mà thôi.
Như vây, học xong MBA cũng chỉ là bước khởi đầu, chỉ là một chút tri thức bé nhỏ trong bể kiển thức vô tận. Đừng mang tấm bìa Thạc sỹ ra để hù đời, hãy biết liêm sỉ và luôn luôn học hỏi không ngừng để làm mới chính bàn thân mình. Tấm bằng Thạc sỹ chỉ có giá trị khi người chủ của nó tạo ra giá trị cho cộng đồng, cho xã hội.
Mạn đàm về chữ học
Hiện nay ở Việt Nam đang có trào lưu “đi học” MBA, với những ngộ nhận về MBA nên cả các cấp quản lý, các nhà tuyển dụng đều cùng bước trên những sai lầm nối tiếp sai lầm. Bên cạnh đó, cứ cái gì đeo mác ngoại được cho là tốt và có giá trị. Sai lầm là ở chỗ không phải trường nào cũng giống nhau, và tệ hơn nữa là không phải ai học MBA rồi, nhận được tấm bằng MBA là như nhau, là có trình độ tri thức, nhận thức và hiểu biết như nhau như kiểu ‘cá mè một lứa” kiếu sản xuất đại trà cho ra đời hàng loạt sản phẩm giống nhau vậy.
Du học Bên Tây không hẳn đã tốt hơn bên ta, ở một số nước phương tây hay Mỹ, trường đại học được mở và quản lý theo luật công ty. Chuyện một trường đại học có trụ sở chính trên một gác xép vài mét vuông không phải không có. Học viên, ngoài một số suất sắc được học bổng, có rất nhiều người không thi được vào các trường trong nước nên du học. Bên trời Tây chẳng biết là học những gì,  tôi biết có nhiều người du học ở các nước phát triển khi về chỉ duy nhất mang về được thành tích của những năm ăn chơi, của những hàng hiệu trên người mà trong đầu thì không có thấy chữ.
Nói như vậy để các bạn thấy chữ HỌC phải được hiểu một cách đầy đủ. Từ xưa đến nay các học sinh khi đến trường đều được nhồi sọ phải nhớ những gì thày dạy, lời thày là “sách”, sách đã viết thế, báo viết thế, đài nói thế cứ như thể những thông tin đó hiển nhiên là đúng và không cần phải bàn cãi. Và rồi đến các bậc phụ huynh khi dạy con cũng vậy, hàng tối bắt con phải ngồi học bài, bắt con phải thuộc bài và dĩ nhiên tất cả như một việc thông thường, và học đối với họ cũng là một “việc” như những việc khác.
HỌC không phải là “học”, không phải là việc phải thuộc bài, không phải việc nhớ lời Thày và cũng không phải việc khi làm bài kiểm tra, bài thi thì quay cóp đúng như trong sách, hay cố gắng chép lại y văn lời Thày. Có lẽ những hiện tượng như trên đã tồn tại quá lâu và đến giờ đã trở thành phản xạ, từ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau cái cách nghĩ, cái cách học như thế thì khi nào chúng ta mới “cất cánh”, khi nào mới “sánh vai với các cường quốc” được đây? Chẳng thế nên tại một lớp MBA có uy tín, chương trình liên kết đào tạo giữa Khoa SĐH, Đại học quốc gia Hà Nội và Viện quản trị kinh doanh Bỉ (UBI), có vị giáo sư đáng kính đã phải nhắc đi nhắc lại yêu cầu khi làm bài thi là “đừng có chép y nguyên sách, nếu câu trả lời đã y nguyên trong sách thì đâu cần hỏi”.
Học không phải là một “việc” như những việc thông thường khác, HỌC là một quá trình tự thân và nghiệm chứng, Nói như vậy ta thấy rằng học mang tính chủ động chứ không thụ động. Nếu như việc học không được tự thân chúng ta “động” thì không bao giờ mang lại hiệu quả, hay nói cách khác không thể lĩnh hội và chuyển hoá kiến thức thành tri thức được.
Học không chỉ để nhớ, hiểu cũng chưa đủ, Mà học đề Ngẫm, để Suy, chính vì nhận thức như vậy các tiền nhân xưa đã có câu “nhất luận, tam suy”, một luận cứ đưa ra, chúng ta phải luận và rồi suy bằng nhiều quan điểm, như vậy mới có cái nhìn toàn diện, vậy mới quán triệt được vấn đề. Khi vấn đề đã được quán triệt, nó như một phần của chính con người bạn và luôn trong bạn bất cứ khi nào bạn cần đến. Nó đã biến thành kỹ năng và ngấm vào người học. Giống như một chuyên gia thảo luận về một đề tài mà ông ta nghiên cứu, khi đó đâu cần phải bài, phải sách vẫn có thể trình bày và giải thích ở bất kỳ điểm nào, hay như người học võ vậy, khi lên đài rồi mới nhớ đến từng chiêu để vận dụng thì đã bị hạ gục rồi, khi võ sinh đã “ngấm” hết các chiêu và không còn nhớ chiêu nào hết, tức là vô chiêu. Đó chính là vô chiêu thắng hữu chiêu. Khi kiến thức được chuyển hoá, tri thức được phát huy thì đó là kỹ năng. Học để có được cái kỹ năng đó chứ không phải được lập trình như một cái máy, không như một võ sinh thuộc lòng các chiêu thức nhưng không thể lên đài.
Chất lượng các chương trình đào tạo MBA liên kết?
Hiện tại có nhiều chương trình đào tạo MBA / EMBA liên kết giữa một trường, hoặc tổ chức trong nước với đối tác nước ngoài.
Dựa vào phương thức tổ chức giảng dạy có 3 dạng:
-          Học trực tiếp bằng ngoại ngữ (Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp)
-          Học thông qua phiên dịch
-          Học một số môn trường đối tác, một số môn của trường trong nước
Dựa vào hình thức văn bằng có:
-          MBA (Master of Business Administration)
-          EMBA (Executive Master of Business Administration)
Học trực tiếp bằng ngoại ngữ (Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp): Đây là phương pháp đào tạo trực tiếp, có thể nói đúng với nghĩa du học tại chỗ nếu như phía đối tác nước ngoài và phía Việt Nam đảm bảo được 100% là các giáo sư cơ hữu của trường đối tác. Các lớp đào tạo này thường có ít học viên vì yêu cầu đầu vào tiếng Anh cao, nghe đọc và viết thông thạo. Phần lớn các chương trình dạng này là MBA và đều không tuyển được đủ số học viên cần thiết để duy trì các khoá học liên tục. Điển hình như chương trình MBA liên kết giữa SGS và UBI, Brussel, Bỉ. Một chương trình có chất lượng đào tạo rất tốt nhưng không thể tuyển đủ số học viên để duy trì các khoá học. Một số chương trình ở các trường khác thì thường chờ khi nào có đủ số học viên mới khai giảng khoá mới.
Học thông qua phiên dịch: Đây là chương trình học khi giáo sư nước ngoài lên lớp giảng sẽ có phiên dịch dịch ngắt quãng. Do vậy thời lượng bị hạn chế mất 50%, và khả năng tương tác giữa giáo sư và học viên gần như bằng không. Tuy nhiên, đây là cách duy nhất để giúp những người không có ngoại ngữ lĩnh hội những kiến thức quản trị từ những nước phát triển thông qua các Giáo sư nước ngoài. Việc băn khoăn nhất là học viên không biết một chữ ngoại ngữ lại được một trường nước ngoài cấp bằng mà chính bản thân học viêc nhiều người cũng không đọc được. Tôi cứ tự hỏi khi họ giới thiệu với một người nước ngoài nói răng tôi là MBA, trường XYZ, nước ABC nào đó mà không nói được một câu tiếng Anh thì không hiểu họ sẽ nghĩ gì. Chưa kể đến việc bài thi bằng tiếng Việt thì ai chấm bài, vậy trường đối tác dựa vào cái gì để cấp bằng (?), có thể họ dựa vào niềm tin. Trên quan điểm cá nhân, tôi nghĩ đã học bậc MBA thì tất yếu đòi hỏi một trình độ tiếng Anh đầu vào (Theo toefl hoặc IELTS…), những môn đầu có thể họ còn chưa thạo thì đã có phiên dịch trợ giúp. Hiện tại các trương trình đào tạo cao học trong nước cũng đòi hỏi học viên phải có trình độ tiếng Anh, không hiểu sao Bộ GD lại “chiếu cố” các chương trình ngoại như vậy.
Học một số môn trường đối tác, một số môn của trường trong nước: Đây là các chương trình được Việt hoá cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên cần phải xem xét lại tính thực tiễn của các môn tiếng Việt đưa vào chương trình. Không nên chỉ chú trọng về số lượng môn mà quên mất chất lượng đào tạo và tính thực tiễn của môn học mới là quan trọng. Không phải các giáo sư người Việt không đủ năng lực giảng dạy, mà do những định kiến về chất lượng “hàng Việt” nên phần lớn học viên không thích các môn Tiếng Việt hoặc các môn do giảng viên Người Việt dạy. Điều này có lẽ nguyên do cũng một phần là có những chương trình MBA được tổ chức theo kiểu “kinh doanh là chính, đào tạo là phụ”.
Các chương trình MBA (Master of Business Administration) thường được giảng dạy trực tiếp bằng Tiếng Anh và đòi hỏi học viên phải có kiến thức nền (background) về kinh tế hoặc quản trị, Những học viên các chuyên ngành khác thường được tham gia một khoá học đinh hướng (orientation course) trước khi vào khoá học chính thức. Tuy nhiên không phải chương trình nào cũng áp dụng như vậy. Đầu vào đối với tất cả các học viên MBA là phải tốt nghiệp đại học và có ít nhất 2-3 năm kinh nghiệm. Lý thuyết là vậy nhưng các chương trình MBA liên kết tại Việt Nam thường quên tiêu chí kinh nghiệm.
EMBA (Executive Master of Business Administration) thường được dịch với một mỹ từ Chương trình Thạc Sỹ QTKD cho nhà quản lý, Chương trình EMBA không đòi hỏi đầu vào phải có bằng tốt nghiệp đại học mà chỉ cần có kinh nghiệm, không cần thi đầu vào mà đa phần là xét tuyển. Tiêu chí kinh nghiệm lại bịbỏ quên khi có nhiều học viên chưa đi làm ngày nào vẫn theo học. Chương trình EMBA nhằm giúp những người trước đây không có cơ hội học đại học có thể theo học, vì họ có những năng khiếu và kinh doanh rất sớm, nhiều người thành công như bill gate nhưng không thể quay lại học đại học với những kiến thức sáo rỗng được. Vì thế mà EMBA ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn cho nhiều người đang làm quản lý mà trước đó không có điều kiện học tập. Khi tuyển sinh các trường thường lập lờ với những mỹ từ như trên, và học viên trước khi ghi danh cũng ít có thông tin để hiểu rõ về chương trình. Đôi khi nghe MBA cho các nhà lãnh đạo lại thấy mình oai hơn.
Dưới góc độ nhà quản lý giáo dục
Thực tế cho thấy không chỉ riêng gì các chương trình đào tạo MBA liên kết mà cả ngành giáo giục của chúng ta cũng đang ì ạch cố gắng xoá bỏ những lề thói cũ như bệnh thành tích, chạy điểm… sờ đâu cũng thấy lỗi, nhìn đâu cũng ra bệnh. Nếu muốn khỏi ngay thì chỉ có cách xoá bỏ hết. Vậy chẳng lẽ không đào tạo nữa? biết là vậy nhưng vẫn phải làm, chúng ta dần dần nâng cao chất lượng, thắt chặt cơ chế cũng giống như học là cả một quá trình, không thể làm trong một ngày. Thôi thì dạy 100 cái chữ, người giỏi lĩnh hội được vài chữ, người đi học không phải vì sự học lĩnh hội lấy nửa cái chữ cũng được, người không lĩnh hội được cái chữ nào thì đóng tiền để duy trì hoạt động mở lớp cho một vài người thực học có cơ hội tham gia.
Lời kết
Giáo dục đào tạo, đặc biệt đào tạo MBA đều là một hình thức có tính kinh doanh trong đó. Tuy nhiên đó là hình thức kinh doanh đặc biệt, ở đó những người làm công tác đào tạo phải có cái TÂM, phải thực sự yêu cái nghề của mình đó là truyền thụ kinh nghiệm và tri thức của mình cho các thế hệ sau. Trong sự hỗn độn và lắm lỗi nhiều bệnh ấy, bệnh do cơ chế mà ra, bệnh do người học tự phát, may thay vẫn có những người tâm huyết với nghề. Như con tằm chín cứ miệt mài nhả tơ cho đời.
(Nguyen Vu Tue Minh)

Categories: , ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét