2011/06/10

Thú chơi sưu tầm ấm trà


Ấm trà dù chỉ xếp ở hàng thứ 4 theo thứ tự dân chơi trà – nghiện trà đã quá quen thuộc: "Nhất thuỷ, nhì trà, tam pha, tứ ấm", nhưng sự chơi thứ 4 này chẳng đơn giản, đòi hỏi lắm công phu. 



                  Ấm  trà độc ẩm men xanh trắng, tích Thái Công Điếu Vị(đời Thanh - TQ)
 
                                                  Ấm  đất Nghi Hưng


Câu thần chú: Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần để chỉ những dòng ấm trà xưa, nay khó áp dụng vì các loại ấm này rất hiếm và giá cả đội trời, dăm ba triệu một ấm còn nguyên vẹn cũng khó kiếm ra, vì là những dòng ấm được dân chơi cổ ngoạn khắp nơi săn đuổi. Trong thú nhẩm trà, ấm trà được chia làm hai loại, ấm đất nung và ấm tráng men (ấm sứ hoặc ấm đất tráng men).
Ấm tráng men khá phổ biến thích hợp cho các loại trà mộc, trà ướp hương. Do đặc tính tráng men, khi pha trà, hương vị trà không hấp thụ vào ấm, vì vậy  trong nhà chỉ một ấm tráng men là đủ.


                                                 Ấm  tròn đắp nổi Tùng - Mai, đất Nghi Hưng - TQ 

                                            Ấm  trà bài thơ,đất Nghi Hưng tử sa

Dòng tráng men có rất nhiều, từ những ấm xưa dáng trái bần, nắp bánh bèo   đến bình tích vẽ Trúc Lâm Thất Hiền, Bát Tiên Quá Hải, Tam Đa... còn bày bán khá nhiều ở Lê Công Kiều. Ấm mới sản xuất từ các lò gốm Bình Dương, Bát Tràng, Hải Dương... bán đầy rẫy trên thị trường với mức giá tương đối, độ 100 nghìn trở lại là đủ dùng.
Giới chơi trà chuộng ấm đất hơn ấm tráng men. Ấm đất xưa nay chỉ vùng Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô – Trung Quốc sản xuất là chất lượng nhất. Vì vùng này có đất tử sa (còn gọi là cát tím), có đặc tính hấp thụ hương trà, cốt đất tốt, bền chắc, càng sử dụng lâu, ấm càng giá trị bởi hương trà đã quyện vào ấm. 

                                              Ấm  trà Lưu Bội danh tiếng ngày xưa 

                                               Nét tròn hài hoà trong các chi tiết vòi, nắp và quai ấm 


Nhiều câu chuyện thêu dệt từ ấm trà đất nung, có ấm trà chỉ cần đổ nước sôi rồi rót ra là thành trà. Tuy chỉ là những lời đồn thổi, cũng làm tăng thêm giá trị vốn có của các loại ấm đất.
Ấm trà có nhiều kiểu dáng khác nhau, nên chọn được ấm hợp nhãn, sau mới đi tiếp vào chi tiết. Với phần ấm tráng men, do đặc tính của men khi nung chảy không khớp - khít phần nắp và ấm, khi chọn loại ấm này, chỉ cần tập trung vào miệng vòi thẳng, gờ ấm, quai ấm, cả ba chi tiết này thẳng hàng nhau là ổn, vì khi đó sức chứa ấm được tối đa, miệng vòi thẳng khiến việc rót trà dễ dàng, nước không bị đọng, nhểu. 
                                        Dáng đẹp của một ấm trà đất nung
                                                   Các chi tiết: vòi - miệng - quai thẳng hàng

Riêng ấm đất, ngoài yếu tố trên, phần nắp và ấm phải khít, nếu dùng tay bịt lỗ thông hơi trên nắp ấm rót, nước bí lại trong ấm không chảy ra ngoài. Chọn ấm đất ngoài dáng vẻ, kích thước lớn nhỏ, dùng cho độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm, người chơi phải biết chú tâm đến chất liệu, vì hiện các loại ấm đất từ Trung Quốc không còn tốt như xưa, phần vì đất Nghi Hưng tử sa trở nên hiếm.
Để chọn được ấm trà tốt, đúng đất tử sa, soi ra ánh sáng sẽ thấy phần trong đáy ấm có những hạt li ti lấp lánh, cốt thai ấm rắn chắc, dùng nắp cà vào thành ấm nghe âm trong, lanh canh. Gặp những ấm dỏm, khi gõ vào nghe âm thanh đục, màu đất không có ánh lấp lánh, sử dụng tiếp xúc nhiều với nước nóng dễ bị nứt bể, hoặc thấm ẩm ra ngoài.
Cũng có những loại ấm giả tinh vi, cốt thai bằng đất thường, sau đó quết một lớp mỏng tử sa Nghi Hưng lên trên, mắt thường không phát hiện được, nhưng nghe âm thanh khi gõ vào ấm sẽ phân biệt được ngay chất lượng ấm. Nhiều ấm còn được bôi một lớp dầu bóng, tạo vẻ cũ kỹ hoặc giả màu tử sa, những loại này khó tẩy mùi, sử dụng hương trà bị át đi, gây mất ngon. 

                                                      Ấm  trà Nhật in tích Tùng - Đình (theo cách gọi của dân chơi đồ cổ)
                                                                                   Ấm  đất Nghi Hưng


Có ấm tốt chưa thể dùng ngay mà phải qua giai đoạn luyện ấm. Trước tiên phải dùng giấy nhám chà láng phần đất dư, mảng bám thừa trong ấm. Dân chơi trà uống mỗi loại trà một ấm đất khác nhau, vì vậy, ấm pha trà gì được luyện bằng chính loại trà đó.
Cách luyện: Bỏ chừng 100g trà vào nồi nước, thả ấm trà vào đun nước vừa sôi thì tắt bếp, đậy nắp cho đến khi nước nguội lại đun sôi lên tiếp, cứ thế luyện liên tục trong vài ngày (thường 3 ngày), sau đó mới lấy ấm ra dùng. Ấm khi này đã được thẩm thấu trà thơm phức, càng sử dụng lâu càng lên nước và dậy hương trà ngay cả khi không có trà trong ấm.
Mỗi ấm trà làm bằng tay được xem như một tác phẩm nghệ thuật, gọi là ấm độc bản, giá khá mắc thường từ 1 - 3 triệu. Những nghệ nhân chuyên làm ấm trà thường chụp lại hình ảnh từng công đoạn làm chiếc ấm đến khi thành phẩm, bán kèm theo với ấm như một cách tiếp thị hình ảnh của nghệ nhân cũng như tác phẩm ấm trà của họ. Những dòng ấm đổ khuôn thì rẻ hơn, vì được sản xuất hàng loạt, giá thường 300-500 nghìn.
(SGTT)

Categories: ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét